Năng lượng điện gió: Bước đi chiến lược của Tập đoàn Gelex
Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ngày càng lớn, năng lượng tái tạo đang được doanh nghiệp Việt lựa chọn là bước đi chiến lược trên một sân chơi lớn. Đón đầu xu hướng sử dụng năng lượng sạch, Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị đầu tư xây dựng nhà máy điện gió tại Quảng Trị.
Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thì phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối…) đang là giải pháp rất phù hợp và xu hướng tất yếu. Với những hiệu quả thiết thực, điện gió đang đi vào cuộc sống ở nhiều nơi. Với tiềm năng to lớn về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong có đó điện gió, Quảng Trị đang trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế và phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung trong thời gian tới.
Với dự án điện gió, UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận cho Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị đầu tư các dự án Nhà máy điện gió tại uyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thông tin chi tiết từ Gelex cho biết cả 5 dự án điện gió của Tập đoàn Gelex với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (gồm 12 turbine với tổng công suất lắp đặt 50MW), và các dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 (gồm 21 turbine với tổng công suất lắp đặt 90MW). Cuối tháng 10/2021, Tổ hợp Nhà máy điện gió chính thức đi vào vận hành thương mại, đủ điều kiện để được hưởng giá điện ưu đãi (8,5 cents/kWh trong vòng 20 năm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Chia sẻ về quá trình thi công các dự án điện gió, đại diện Công ty cho biết: “Đây là kết quả của một hành trình đầy tâm huyết, nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo và CBNV Tập đoàn Gelex trong thời gian qua. Chúng tôi đã phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chúng tôi đã cán đích thành công toàn bộ 5 nhà máy điện gió trước 31/10/2021, đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp. Đây là sự khẳng định năng lực, kinh nghiệm của Tập đoàn Gelex trong lĩnh vực điện gió, là tiền đề để Gelex tiếp tục triển khai những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn hơn tại nhiều tỉnh thành trong thời gian sắp tới”.
Với những ưu điểm là sử dụng năng lượng sạch để sản xuất điện năng, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy Điện gió Gelex phù hợp với chủ trương của tỉnh Quảng Trị là phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh và khu vực. Các dự án điện gió của Tập đoàn Gelex được tài trợ bởi BIDV, Vietinbank, và đồng tài trợ bởi Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (LBBW) Cộng hòa Liên bang Đức theo hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA) với tổ chức bảo hiểm là Euler Hermes. Với hình thức tín dụng này, các dự án được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp với thời gian cho vay dài. Để đáp ứng các yêu cầu của tổ chức bảo hiểm, chủ đầu tư cần phải là đơn vị uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dự án, và xếp hạng tín dụng tốt. Bên cạnh đó, dự án cần tuân thủ các yêu cầu khắt khe về môi trường theo tiêu chuẩn của IFC.
Về công nghệ, các dự án đều sử dụng turbine công nghệ không hộp số (công suất 4,2 MW) được sản xuất, cung cấp bởi hãng Enercon (Cộng hòa Liên bang Đức), với ưu điểm là đường cong công suất lớn và có thể phát điện ở tốc độ gió thấp (2.0m/s). Đây là công nghệ được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay. Enercon cũng cung cấp dịch vụ vận hành turbine cho chủ đầu tư trong toàn bộ thời gian vận hành của dự án.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị chia sẻ: “Với việc Nhà máy Điện gió đi vào vận hành, Gelex tiếp tục khẳng định chiến lược đầu tư kinh doanh gắn với giá trị sáng tạo và bền vững mà Tập đoàn đã theo đuổi từ những ngày đầu. Tại Quảng Trị, chiến lược của doanh nghiệp đã gặp được sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền địa phương giúp chúng tôi triển khai hiệu quả các dự án. Từ nền tảng xây dựng các ngành kinh doanh bền vững trên một diện tích đất, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những dự án mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mô hình với những sản phẩm kết hợp được lợi thế các ngành”.
Sau khi đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia thì mỗi cột gió sẽ đóng góp công suất ổn định, liên tục khoảng 04 MW/h, tương đương với công suất của một nhà máy thủy điện nhỏ hiện nay. Góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm kỹ thuật cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng và khu vực.
Việc hoàn thành 5 dự án điện gió nói trên đã đánh dấu một bước tiến mới của Gelex trong đầu tư năng lượng nói riêng và lĩnh vực hạ tầng nói chung. Với điện gió, nguồn điện năng lượng tái tạo này đang được Chính phủ khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, đây có thể coi là một bước đi đón đầu của Gelex tại Quảng Trị. Cùng với các dự án trước đó, Công ty đã có tổng cộng 260MW điện đi vào vận hành với tổng sản lượng điện của các nhà máy ước đạt khoảng 700 triệu kWh/năm, dự kiến nâng tổng công suất năng lượng tái tạo sở hữu đến năm 2025 lên 800MW.
Nguồn: Vietnam Business Forum